Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Nguyên Thảo - ca sĩ đứng ngoài showbiz

Chọn một góc khuất của quán, cô ca sĩ Đà Lạt nhâm nhi tách cà phê, lặng lẽ ngắm dòng người trên đường Đồng Khởi sầm uất nhất Sài Gòn. Sự bình thản trong đời sống giúp Nguyên Thảo luôn giữ được bản sắc trong nghề hát.


Hai năm nay, Nguyên Thảo chuyển nhà ra ngoại thành, rời khỏi nhịp sống sôi động của Sài Gòn. Mỗi khi nhớ phố, nhất là buổi chiều, cô sẽ có mặt tại góc quán quen và lặng lẽ ngắm nhìn. "Tính cách của mình như thế, cố ép cũng chẳng vào đâu. Mấy lần chuyển nhà rồi nhưng thấy vẫn hợp nhất là bây giờ, sống ở ngoại thành cho nhẹ nhàng. Còn khi nào không chịu nổi nữa thì trốn về Đà Lạt ít hôm. Ở đó là sướng nhất", Nguyên Thảo trải lòng.

Nguyên Thảo lặng lẽ sống và hát. Ảnh: T.N.
Nguyên Thảo lặng lẽ sống và hát. Ảnh: T.N.

Tính cách đó vận sâu vào suy nghĩ của nữ ca sĩ, tác động lên cả con đường ca hát mà cô chọn. Là ca sĩ nhưng chẳng bao giờ cô xuất hiện trong các sự kiện, hay cuộc chơi nào. Khiêm tốn, cô bảo "do mình xấu xí, lại không nổi tiếng nên chẳng ai mời". Còn thực tế, có được mời cô cũng ngại ngần không góp mặt. Trong tiệc sinh nhật thứ 91của nhạc sĩ Phạm Duy tại TP HCM hồi tháng 10, Nguyên Thảo là một trong số ít ca sĩ nhận được lời mời. Dù quý ông lắm, cô vẫn "cứ thấy ngại ngại" nên chỉ dám gửi bó hoa chúc mừng. Tham gia chương trình ca nhạc lớn nào, cô đến thật sớm và giấu mình kỹ trong hậu trường. Diễn xong là ra về, né tránh mọi lời mời chụp ảnh, hay trả lời phỏng vấn.

"Người ta bảo mình kiêu. Nhưng không phải vậy. Cũng tại bản tính trầm trầm người Đà Lạt ấy".

Đà Lạt với không khí trong lành, những buổi ban mai mát lạnh sớm hình thành nên giọng hát trong trẻo, thánh thót. Cách hát của cô cũng "thản nhiên" như cách sống. Chậm rãi và ngân nga. Cô trau chuốt và nâng niu đến mỗi lời hát. Nhờ thế, cái tình luôn đọng lại trong lòng khán giả. Và chất giọng đặc biệt ấy luôn được đánh giá cao. Khi cô tìm đến nhạc sĩ Dương Thụ, ông dành cho cô không ngớt lời khen và sẵn sàng giúp cho album đầu tay Suối và cỏ thành công vang dội. Thảo hát nhạc Phạm Duy. Người nhạc sĩ lớn ấy cho rằng, cô là ca sĩ hiếm hoi trong nước hát hay nhạc mình. Còn khi kết hợp Võ Thiện Thanh cho dự án mới, nhạc sĩ "Chuông gió" khẳng định, Thảo là viên ngọc quý của làng nhạc.

Nhận những lời có cánh, Thảo chỉ mỉm cười và phản biện là do cô may mắn, tìm được những cơ hội tốt. "Tôi chỉ chủ động trong công việc, chứ không cất công tìm kiếm. Mà đôi khi như thế lại hóa hay, những cái may tự nhiên đến".

Từ tốn là từ chính xác để hình dung về Nguyên Thảo. Hơn 8 năm trước, một thân một mình lên lập nghiệp tại Sài Gòn, Nguyên Thảo là gương mặt quen của phòng trà. Khán giả của 2B, M&Tôi không ai là không biết cô ca sĩ có giọng hát cao vút, mượt mà, chuyên "cover" bản hit của Mỹ Linh, Celine Dion... Lặng lẽ làm việc, Thảo gặp Dương Thụ và được ông cùng êkíp Anh Quân - Huy Tuấn hỗ trợ hoàn thành CD đầu tay. Khi Suối và cỏ thành công vang dội, giới thiệu cho khán giả khắp nơi một giọng hát mới đầy tiềm năng cũng là lúc cô nghỉ hát phòng trà, xuất hiện thỉnh thoảng vài đêm với lý do "đã xác định là ca sĩ chuyên nghiệp thì phải có nhạc của mình, không thể cover bài của người khác mãi được".

Từ một ca sĩ phòng trà, Nguyên Thảo trở thành cái tên không thể thiếu trong nhiều chương trình lớn cả nước. Ảnh: T.N.

Và cũng từ tốn, Nguyên Thảo góp nhặt dần những dấu ấn trong nghề, không ồn ào nhưng đắt giá.

Năm 2006, Nguyên Thảo vụt sáng trong chương trình Bài hát Việt với Giấc mơ mang tên mình. Ca khúc lọt vào top bài hát hay của năm và bản thu live giọng hát Nguyên Thảo từ chương trình với chất lượng khá thấp vẫn được lan truyền nhanh chóng trên mạng.

Nhiều năm liền, Nguyên Thảo "bén duyên" với nhạc Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, là cái tên không thể thiếu trong các đêm nhạc lớn có chủ đề của hai nhạc sĩ này. Cô cũng là gương mặt được các nhạc sĩ ưu ái giao cho thể hiện những bài hát khó như: Nếp ngày, Thu cạn (Giáng Son), Những khung trời khác, Thời gian để yêu (Đỗ Bảo)... Mới đây, khi ca khúc Đường chiều lá rụng của Phạm Duy được cấp phép, Thảo cũng là người được nhạc sĩ giao cho thể hiện. Ca khúc nào qua giọng hát Nguyên Thảo cũng được đón nhận, được người yêu nhạc sôi nổi giới thiệu nhau nghe.

Thế nhưng, Nguyên Thảo không như nhiều người, khi gặt hái chút thành công với thể loại nhạc nào đó, họ sẽ có ngay sản phẩm tung ra thị trường. Sau 4 năm im tiếng, cô vẫn chưa có thêm một CD nhạc nào. Nhiều người cứ thắc mắc, chỉ cần cô tập hợp các ca khúc đã thể hiện cũng đủ làm thỏa mãn một số đông khán giả. Hay đơn giản là một album nhạc Phạm Duy. Cô giải thích: "Có thể tôi hát được khen hay. Nhưng để gọi là ưng ý hoặc là sản phẩm của riêng mình thì phải khác. Tôi phải thật cảm thấy mình đang hát từ chính cảm nhận và nỗi niềm của mình".

Giọng hát Đà Lạt gặp lại khán giả Hà Nội vào đêm Giáng sinh. Ảnh: T.N.

Chần chừ mãi, Nguyên Thảo mới mạnh dạn làm một CD nhạc Trịnh với những bài hát quen thuộc nhưng được nhạc sĩ Võ Thiện Thanh hòa âm thật mới. Đó là quá trình dài chiêm nghiệm cuộc đời, sống chậm để nhìn và hiểu được mọi thứ xung quanh. Dù vậy, đã tiến hành gần 2 năm, thời gian phát hành vẫn còn để ngỏ. Cô nói vẫn cần phải chăm chút thêm. 

Noel này, Nguyên Thảo là ca sĩ chính của chương trình Không gian âm nhạc tại Hà Nội, nơi từng vinh danh Thanh Lam, Thu Phương, Tuấn Ngọc... Hai đêm diễn vào tối 24-25/12 ghi dấu lần đầu, Nguyên Thảo đứng riêng một chương trình và trải lòng với khán giả bằng nhiều ca khúc. Cô hào hứng khoe rằng mình được ưu ái. Còn khán giả hoàn toàn có cơ sở để tin rằng, lựa chọn của Ban tổ chức đã chính xác. Bởi trong đêm đông Hà Nội, sẽ không gì ấm áp cho bằng được đắm chìm trong mạch cảm xúc êm dịu, có khi trầm buồn, lúc lại bay bổng với tiếng hát cao vút Nguyên Thảo, như từng hồi chuông gióng vào đêm thánh.

Nhiêu Huy
[ để dành ]

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Nguyên Thảo cần may mắn trong âm nhạc

Có khi nào bạn tự hỏi, những gì bạn muốn thực sự cần thiết cho mình? Nguyên Thảo thì có đấy. Cái tư duy sống thế nào để hợp lẽ, hợp mọi người nhưng quan trọng nhất là hợp với chính con người mình thường trực nơi cô. Cô mang nó vào âm nhạc, vào mỗi dự án ấp ủ. 

Ấy thế mà, đã 6 năm sau album đầu tay, thời gian trình làng CD thứ hai trong sự nghiệp ca hát vẫn còn bỏ lửng. Khán giả yêu mến giọng hát trong trẻo - hát buồn hay vui vẫn cứ thanh thản, phơi phới - mong đợi, muốn nghe Nguyên Thảo hát. Còn cô cứ loay hoay “gõ đúng cánh cửa mình cần”.

Loay hoay cùng Nguyên Thảo trong buổi chiều cuối tuấn Sài Gòn nhẹ nhàng, miên man từ Whitney Houston đến nhạc Việt, rồi chuyển sang cuộc “đối thoại với Thượng đế” (CD mà Thảo kết hợp làm cùng nhạc sĩ Võ Thiện Thanh)... bỗng dưng bạn cũng muốn tìm đúng thứ mình cần trong cuộc đời.


- Lúc hay tin danh ca Whitney Houston qua đời, chị thế nào?
 
- Buồn. Và tiếc. Lúc trước, khi Michael Jackson ra đi, cũng thấy tiếc. Nhưng lần này buồn nhiều. Nhìn nét mặt của bà những năm gần đây, tôi thấy sự mệt mỏi. Người nghệ sĩ đôi khi tự mang vác nỗi cô đơn cho mình nên đời sống cũng khổ theo.

- “Hãy cho tôi một khoảnh khắc trong cuộc đời, khi tôi vẫn đang chạy đua cùng số phận” (lời bài hát One Moment In Time của Whitner). Ở chị dường như không cho thấy cảm giác chạy đua?

- Không chạy nhưng đi. Vẫn đi và hát. Người ta ra CD hằng năm, hay 2 năm một lần, còn mình 6 năm rồi không có thêm album vẫn được mời hát, vẫn còn xuất hiện được. Vậy là hay rồi. Vội vàng quá không tốt. Nhất là với sự nghiệp. Tôi chuộng thái độ thận trọng, kỹ càng trong công việc.

- Chị lý giải việc quá từ tốn mà bản thân vẫn còn được nhớ mặt đặt tên thế nào?

- May mắn. Cuộc đời này lệ thuộc rất nhiều vào yếu tố may mắn. Tôi nghĩ nó chiếm đến 80%. Bạn có giọng hát, bạn có điều kiện vật chất nhưng thiếu may mắn, có thể bạn sẽ không làm được gì cả. Thượng Đế bảo rằng, khi tất cả cánh cửa đóng lại, ắt sẽ có một cánh cửa mở ra. Cái chính là bạn có may mắn gõ đúng cánh cửa đó hay không?

- Từ bao giờ, chị trở nên duy tâm?

- Cuộc sống luôn vận hành. Quan niệm sống con người theo đó biến đổi. Ở tôi, tư duy thay đổi rõ hẳn khi đọc được cuốn sách “Đối thoại với Thượng Đế”. Về mọi thứ, sự sống, con người. Đến mức, tôi nghĩ phải đưa nó vào âm nhạc.

- Có thể hiểu như một cuộc diễn dịch sách bằng âm nhạc?

- Không hẳn như thế. Cuốn sách là ý tưởng. Một cuộc đối thoại mà đôi khi không thể trao nhau những gì cụ thể. Bạn có mường tượng, mình sẽ nói gì khi đối mặt Thượng Đế. Ước mơ, lẽ sống, nỗi vui, niềm khao khát... Đôi khi là rất nhiều, nhưng có thể chỉ là vô ngôn. Nhìn nhau và cảm nhận. Cuộc đối thoại của tôi là sự đồng cảm khi nghe, khi cảm thấy giai điệu và chút gì đó từ lời ca tan chảy trong người.

- “Khách hàng là Thượng Đế”. Ngay cả khi họ mở nhiều cảnh cửa cho chị lựa chọn, chị vẫn chần chừ bước vào?

- Tôi biết một số khán giả của tôi vẫn nóng lòng chờ. Tôi cũng nóng lòng và đang tích cực gõ cửa mỗi ngày đấy chứ. Nhưng tôi rất rạch ròi giữa cái mình muốn và cái mình cần. Anh có thể hát nhiều thể loại nhạc, nhưng dòng nhạc anh chọn có cần cho gu thẩm mỹ âm nhạc của anh không? Bạn nhìn người ta bước lên xe sang, đôi khi bạn cũng muốn đấy, nhưng bạn có thật cần một chiếc xe không?

- Chị hát vì khán giả hay vì sở thích?

- Âm nhạc phải do tôi chọn, thấy thích thì mới làm được. Giống như trò chơi may mắn 1 ăn, 1 thua vậy. Sản phẩm mình cẩn trọng làm ra, đáp ứng đúng thị hiệu của một phần khán giả thì càng bảo vệ được sự yêu mến của họ. Tôi có lòng tin những ai đã thích tiếng hát của mình sẽ có đồng cảm với thể loại tôi chọn.

- Cho dù nó xa rời số đông vốn là yếu tồ cần để đẩy một tên tuổi lên hàng đầu?
- Thì phải chấp nhận thôi. Cái chính là thị trường âm nhạc hiện giờ có phù hợp để giới thiệu sản phẩm của mình hay không. Tôi sợ album của mình nhanh chóng rơi vào quên lãng, và không muốn thành quả của thời gian dài đầu tư nghiêm túc ít được đón nhận.

- Chị đang bi quan về thị trường nhạc Việt?

- Tôi thấy thị trường bây giờ hay đấy. Có những lớp kế thừa và thu hút người nghe. Làn sóng trẻ bây giờ định hình khá rõ, xuất hiện và kế thừa lớp anh chị đi trước. Đó là điều đáng mừng. Nhưng cái chưa được là thị trường nhạc không phân khúc rõ ràng. Có cảm giác như mọi người đang nghiêng hẳn về pop. Phần đất dành cho rock, jazz, classic... ít quá. Tôi thì muốn âm nhạc màu sắc hơn, cho khán giả có nhiều lựa chọn hơn.

- Có cách nào để giải quyết tình hình này, theo chị?

- Chúng ta cần những ca sĩ học hành bài bản. Đa phần hiện nay là tay ngang xen vào, nên sự biến hóa về thể loại nhạc không nhiều. Khi bạn có nền tảng vững, có học thuật, bạn dễ dàng pha trộn cho âm nhạc của mình thêm màu sắc. Thí dụ cùng là màu tím, nhưng tím có nhiều sắc thái khác nhau. Anh hát pop, vẫn có thể khéo léo pha trộn tí jazz, tí rock... Một khi đã như thế, khán giả cũng tự động phân khúc rõ theo thể loại. Nền âm nhạc, theo đó chuyên nghiệp và phát triển hơn. 

Đỉnh Yên
[Bản chưa bị cắt như trên Elle Mag số tháng 3/2012]

Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

Em

Xa em - anh như trưa nắng đi trên cát
Thèm - một dòng sông, những cánh buồm

Xa em - anh như người hát sau đêm hát
Chỉ thấy gió - bên những tấm phông

Xa em - anh như người khát sau cơn khát